Trái phiếu là loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Trái phiếu là sản phẩm của thị trường chứng khoán, được tổ chức phát hành nhằm huy động vốn từ thị trường sơ cấp. Tương tự như khi đi vay tiền, bên phát hành phải thực hiện trả lãi mỗi kỳ và hoàn trả nợ gốc vào ngày đáo hạn.
Người mua trái phiếu được gọi là trái chủ – chủ nợ của tổ chức phát hành.
Phân loại trái phiếu
a. Phân loại theo tổ chức phát hành:
- Trái phiếu Chính phủ: Là trái phiếu do Chính phủ phát hành nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi của người dân và các tổ chức trong xã hội. Chính Phủ là nhà phát hành uy tín nhất trên thị trường, vì vậy Trái phiếu Chính phủ đang được đánh giá là loại chứng khoán an toàn và ít rủi ro nhất.
- Trái phiếu doanh nghiệp: Là trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi một cá nhân bất kỳ mua trái phiếu của doanh nghiệp sẽ trở thành chủ nợ của doanh nghiệp đó. Độ tín nhiệm của doanh nghiệp phụ thuộc vào các yếu tố như uy tín thương hiệu, tình hình kinh doanh và khả năng trả nợ của doanh nghiệp đó.
b. Phân loại theo kỳ hạn:
- Ngắn hạn: Trái phiếu thường có kỳ hạn dưới 5 năm
- Trung hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 5 – 10 năm
- Dài hạn: Trái phiếu có kỳ hạn trên 10 năm. Nhà đầu tư mua trái phiếu dài hạn thường mong muốn thu lợi nhuận ổn định trong thời gian dài và chấp nhận mức rủi ro cao hơn.
Nhìn chung, Trái phiếu có kỳ hạn và lãi suất đa dạng, trong đó kỳ hạn trái phiếu càng dài, lãi suất càng cao.
c. Phân loại theo hình thức phát hành:
- Trái phiếu phát hành ra công chúng: Là trái phiếu được phát hành không giới hạn đối tượng nhà đầu tư. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc chào bán Trái phiếu ra công chúng phải được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được phép truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng
- Trái phiếu phát hành riêng lẻ: Là trái phiếu được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư và chỉ dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc chào bán trái phiếu riêng lẻ không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.
d. Phân loại theo chủ sở hữu:
- Trái phiếu vô danh: là loại trái phiếu không đề tên người sở hữu.
- Trái phiếu ghi danh: là loại trái phiếu có ghi rõ tên người mua.
e. Phân loại theo lãi suất:
- Trái phiếu có lãi suất cố định: Là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá.
- Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi): Là loại trái phiếu mà lợi tức được trả trong các kỳ có sự khác nhau và được tính theo một lãi suất có sự biến đổi theo một lãi suất tham chiếu.
- Trái phiếu không lãi suất: Là loại trái phiếu mà người mua không nhận được lãi, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn.
f. Phân loại theo tài sản đảm bảo:
- Trái phiếu có tài sản bảo đảm: Là loại trái phiếu mà người phát hành dùng một tài sản có giá trị làm vật đảm bảo cho việc phát hành. Khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán, thì trái chủ có quyền thu và bán tài sản đó để thu hồi lại số tiền người phát hành còn nợ. Tài sản đảm bảo có thể là: bất động sản, cổ phiếu, chứng khoán ký quỹ.
- Trái phiếu không có tài sản bảo đảm: Là loại trái phiếu phát hành không có tài sản làm vật bảo đảm mà chỉ bảo đảm bằng uy tín của người phát hành.
Lợi ích và hạn chế khi đầu tư vào trái phiếu
Lợi ích:
- Ưu tiên thanh toán: khi doanh nghiệp gặp bất lợi dẫn đến giải thể, phá sản thì trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán trước cổ đông.
- Thu nhập ổn định: Trái phiếu có kỳ hạn và lãi suất thường cố định. Khi đến hạn, tổ chức phát hành sẽ thanh toán Nhà đầu tư không cần phải lo lắng trước biến động của thị trường.
- Một số loại trái phiếu Chính phủ và của chính quyền địa phương được miễn thuế thu nhập cá nhân nên Nhà đầu tư nhận được toàn bộ tiền gốc và lãi.
- Cơ hội đầu tư: Kiếm lời khi thị trường suy thoái, khi lãi suất thị trường giảm, thì giá trái phiếu lại tăng mạnh.
- Rủi ro thấp hơn cổ phiếu: Khi đáo hạn trái chủ nhận được phần cả gốc và lãi không bị mất vốn, trong trường hợp công ty bị phá sản hoặc giải thể thì trái chủ vẫn được ưu tiên thanh toán trước.
- Chuyển đổi linh hoạt: Trái chủ có thể chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp trái phiếu, trái phiếu niêm yết có thể đặt lệnh dịch trên thị trường. Một số trái phiếu có thể bán lại cho Nhà phát hành, một số khác có thể chuyển đổi thành cổ phiếu.
Hạn chế:
- Không có quyền biểu quyết, tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.
- Là hình thức đầu tư tiềm ẩn rủi ro vì những trái phiếu do doanh nghiệp phát hành có thể gặp phải tình trạng không thể thanh toán được nợ.
- Thanh khoản của trái phiếu chưa cao như cổ phiếu, kể cả các loại trái phiếu niêm yết
- Đối với trái phiếu đặc biệt là trái phiếu dài hạn sẽ bất lợi trong bối cảnh tăng lãi suất.
Rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu
- Rủi ro lãi suất: lãi suất và giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với nhau, khi lãi suất giảm giá trái phiếu sẽ tăng và ngược lại.
- Rủi ro từ lạm phát: Lạm phát ảnh hưởng đến sự gia tăng của tốc độ lãi suất, sức mua trái phiếu giảm đem về lợi suất âm cho trái chủ, đặt biệt với các loại trái phiếu với lãi suất cố định.
- Rủi ro tín nhiệm: Nếu tổ chức phát hành bị xếp hạng tín dụng thấp, hoạt động kinh doanh có vấn đề thì có thể tác động xấu đến khả năng đáp ứng các khoản nợ đối với trái chủ.
So sánh giữa trái phiếu và cổ phiếu
Có thể thấy, Trái phiếu là một sản phẩm đầu tư đa dạng, cần có thời gian tìm hiểu, nghiên cứ và đánh giá. Vì vây, để việc đầu tư trở nên thuận tiện và hiệu quả, Nhà đầu tư có thể gián tiếp đầu tư vào trái phiếu thông qua Quỹ mở trái phiếu. Cũng giống như việc đầu tư vào các sản phẩm đầu tư có thu nhập cố định khác, Quỹ sẽ tiến hành sàng lọc và lựa chọn các chứng chỉ tiền gửi an toàn, chất lượng và tuân thủ các chuẩn mực về đầu tư.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp Nhà đầu tư có thêm thông tin về trái phiếu qua đó đưa ra cho mình lựa chọn đầu tư phù hợp nhất.